Các nhà đầu tư crypto mất hơn 2,000 tỷ USD từ đỉnh

Wilber Hegmann 31

Wilber Hegmann

Wilber Hegmann

New member
Tham gia
11/5/24
Bài viết
17
Cảm xúc
0

Sự sụp đổ của thị trường tiền điện tử

Đầu tháng 11 năm trước, các nhà đầu tư tiền điện tử đã xem bitcoin như là tương lai của tiền tệ và Ethereum là công cụ phát triển quan trọng nhất thế giới. Lúc đó, Token không thể thay thế (NFTs) cũng đang bùng nổ, mã chứng khoán của sàn giao dịch Coinbase đang giao dịch ở mức kỷ lục và đội bóng rổ nức tiếng NBA’s Miami Heat cũng vừa bước vào mùa giải trọn vẹn đầu tiên tại sân FTX Arena mới được đổi tên.

Nhưng hóa ra, đó là lúc thị trường tiền điện tử đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại.


tititada-kien-thuc-lam-the-nao-de-phan-tich-bao-cao-tai-chinh-banner

Trong 12 tháng kể từ khi bitcoin chạm mức cao kỷ lục tại khoảng 68,000 USD, hai loại tiền kỹ thuật số lớn nhất là bitcoin và ethereum đã mất 3/4 giá trị cùng với sự suy giảm của các cổ phiếu công nghệ rủi ro khác. Thị trường tiền điện tử từng được định giá khoảng 3,000 tỷ USD nay chỉ ở mức khoảng 900 tỷ USD.

Bitcoin đã được chứng minh là một tài sản đầu cơ khi giá của nó bị thổi phồng lên vì lượng cầu đầu tư vào đồng tiền này tăng nhanh chóng, và sau đó lao dốc mạnh khi sự hưng phấn đó tan biến, đồng thời khiến các nhà đầu tư trở nên sợ hãi khi mất tiền.

Ví dụ như gần đây nhất là trường hợp của sàn FTX. FTX là một sàn giao dịch tiền điện tử nổi tiếng và cho phép người dùng mua, bán và tham gia vào các hợp đồng phái sinh đối với các loại tiền điện tử, cũng như cho phép giao dịch NFTs và các bộ sưu tập kỹ thuật số. Nhưng trong nháy mắt, FTX đã sụp đổ từ mức định giá 32 tỷ USD đến phá sản khi thanh khoản cạn kiệt, khách hàng yêu cầu rút tiền và sàn giao dịch đối thủ Binance đã phá bỏ thỏa thuận mua lại sàn giao dịch này. Người sáng lập FTX, Sam Bankman-Fried, đã thừa nhận rằng anh ấy đã làm hỏng mọi thứ và sau đó đã từ chức vị trí Giám đốc điều hành.

Sự sụp đổ của FTX đã làm chao đảo thị trường tiền điện tử. Bitcoin đã chạm đáy ở mức thấp nhất trong 2 năm gần đây. Tiền điện tử Ethereum cũng giảm giá, và Solana, một loại tiền phổ biến khác cũng đã giảm giá hơn một nửa.

“Bây giờ khi nhìn lại, sự phấn khích và giá của tài sản rõ ràng đã vượt lên trên chính giá trị thực của chúng và được giao dịch ở mức vượt xa bất kỳ giá trị cơ bản nào. Khi sự sụp đổ diễn ra quá nhanh và dữ dội, nhiều người đang cho rằng tài sản kỹ thuật số đã ‘chết’.” Katie Talati, giám đốc nghiên cứu tại Arca, một công ty đầu tư vào tài sản kỹ thuật số chia sẻ.

Tài sản khác có liên quan với tiền điện tử cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Mã chứng khoán của sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase đã giảm 20% chỉ trong hai ngày, trong khi Robinhood, ứng dụng giao dịch trực tuyến hỗ trợ giao dịch crypto cũng đã giảm 30% trong cùng thời gian. Cùng với đó, Coinbase đã báo cáo doanh thu sụt giảm hơn 50% trong quý III so với năm ngoái với khoản lỗ lên đến 545 triệu USD. Vào tháng 6, sàn này cho biết đã cắt giảm 18% lực lượng lao động của mình.

Cho dù tiền điện tử sẽ suy sụp mãi hay có xuất hiện sự hồi phục như mong đợi, thì cuộc thảm sát giá trị của các đồng tiền ảo trong năm nay đã chỉ ra nhiều lỗ hổng lớn của thị trường tiền điện tử, và nó như là một lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư lý do tại sao sự tồn tại của các quy định, pháp luật về tài chính là điều cần thiết.

Việc các công ty tiền kỹ thuật số phá sản đã xảy ra một cách nhanh chóng và hàng loạt kể từ giữa năm, khiến các nhà đầu tư với tài khoản tiền điện tử tại đó cũng không thể truy cập vào quỹ của mình. Nếu đây thực sự là tương lai của ngành tài chính thì nó có vẻ khá ảm đạm và mờ mịt.

Mọi chuyện bắt đầu như thế nào?

Cuối năm 2021

Sự sụt giảm này bắt đầu vào cuối năm 2021, khi tỷ lệ lạm phát bắt đầu tăng đột biến làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất và chi phí đi vay trong thời gian tới. Bitcoin từ đó bắt đầu giảm 19% trong tháng 12, khiến các nhà đầu tư tiền điện tử dần rút tiền để bảo toàn vốn hoặc chuyển sang đầu tư vào các kênh tài sản khác được coi là an toàn hơn.

Tuy nhiên, việc bán tháo tiếp tục bùng nổ vào tháng 1, khiến bitcoin giảm tiếp 17% và ethereum giảm mạnh 26%. David Marcus, cựu giám đốc tiền điện tử tại Facebook, Meta, sau đó đã chia sẽ rằng, “Chính trong ‘mùa đông tiền điện tử’, những doanh nhân giỏi nhất sẽ xây dựng nên những công ty đột phá hơn. Đây là thời điểm nên tập trung vào giải quyết các vấn đề thay vì tiếp tục bơm tiền vào tiền mã hóa để tạo thanh khoản”.

‘Mùa đông’ tiền điện tử kéo dài tới tháng 5/2022

Song, ‘mùa đông tiền điện tử’ đã không chỉ xảy ra trong một vài tháng. Các thị trường thậm chí đã ổn định trong một thời gian ngắn nhưng ngay sau đó, vào tháng 5, đến cả các đồng tiền được coi là ổn định và an toàn nhất, stablecoin, cũng chính thức có những biến động xấu đi.

Stablecoin là một loại tiền kỹ thuật số được thiết kế để duy trì tỷ giá 1:1 với đồng USD Mỹ, hoạt động như một loại tài khoản ngân hàng cho thị trường tiền điện tử và cung cấp một nơi lưu trữ giá trị hợp lý, trái ngược với sự biến động của bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác. Nói cách khác, stablecoin là tiền điện tử được thiết kế để giảm thiểu sự biến động của giá.

Khi đồng TerraUSD (UST) và đồng tiền mã hóa khác của nó là Luna giảm từ trên 180 USD xuống dưới mốc 1 USD, thậm chí là 0.0000001 USD, đã khiến các nhà đầu tư hoảng loạn. Niềm tin của nhà đầu tư bỗng chốc bốc hơi khi hơn 40 tỷ USD tài sản đã mất trắng sau sự sụp đổ của Luna. Và như vậy, các khoản đầu tư vào tiền điện tử trở nên rủi ro hơn bao giờ hết.

Tititada-kien-thuc-tien-dien-tu

Nguồn ảnh: freepik.com
Các loại tiền điện tử hàng đầu đã sụp đổ với bitcoin giảm 16% chỉ trong một tuần, đưa giá trị của nó về thấp hơn ½ so với mức đỉnh vào sáu tháng trước. Về mặt vĩ mô, lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và ngân hàng trung ương vẫn cam kết sẽ tăng lãi suất khi cần thiết để kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Tới tháng 6, mọi chuyện tiếp tục diễn biến tồi tệ hơn.

  • Nền tảng cho vay Celsius và nền tảng giao dịch Binance cho tạm dừng việc rút tiền vì “điều kiện thị trường khắc nghiệt” và quá nhiều người rút tiền cùng một lúc, gây ra khủng hoảng thanh khoản ngắn hạn.
  • Công ty cho vay tiền điện tử BlockFi cũng cắt giảm tới 20% nhân công sau khi tăng giá trị gấp 5 lần kể từ cuối năm 2020.
  • Quỹ đầu cơ tiền điện tử nổi tiếng Three Arrows Capital (3AC) đã không thanh toán được khoản vay trị giá hơn 670 triệu USD.
  • FTX đã ký một thỏa thuận quyền chọn, cho phép họ có thể mua BlockFi với mức giá thấp hơn so với định giá gần nhất của công ty.
  • Tháng tồi tệ nhất của bitcoin khi tiếp tục mất khoảng 38% giá trị. Ethereum cũng giảm mạnh hơn 40%.

Sự sụt giảm nhanh chóng kéo theo hàng loạt các vụ phá sản.

Công ty trụ sở tại Singapore của 3AC đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tháng 7, chỉ vài tháng sau khi tiết lộ tổng giá trị tài sản của họ đạt mức 10 tỷ USD. Chiến lược đầu tư của công ty này được coi là khá rủi ro khi mà họ đi vay tiền từ khắp nơi trong ngành crypto, sau đó đầu tư số vốn đó vào các dự án tiền điện tử khác, thường là mới thành lập.

Sau sự sụp đổ của 3AC, công ty môi giới tiền điện tử Voyager Digital cũng nhanh chóng bị kéo xuống theo. Do phần lớn khoản vỡ nợ của 3AC là ở các khoản vay từ Voyager. CEO Voyager, Stephen Ehrlich cho biết, “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào tương lai của ngành crypto nhưng sự biến động kéo dài trên thị trường cộng với sự vỡ nợ của 3AC đã buộc chúng tôi phải nộp đơn phá sản.”

Tiếp theo là Celsius, cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào giữa tháng Bảy. Công ty này trước đó cam kết trả cho khách hàng lãi suất lên tới 17% để lưu trữ tiền điện tử của họ trên nền tảng của Celsius. Sau đó, công ty lấy tài sản crypto của khách để cho các đối tác sẵn sàng trả lãi suất cao ngất ngưởng vay. Cấu trúc hoạt động này đã sụp đổ khi thanh khoản cạn kiệt do khách hàng rút tiền ra.

Trong lúc này, Bankman-Fried, CEO của FTX, tự cho mình là một ‘vị cứu tinh’ trong ngành, khi tuyên bố rằng FTX đang ở một vị thế tốt hơn so với các công ty cùng ngành vì họ tích trữ tiền mặt cao, giữ chi phí thấp và tránh việc cho vay. Với giá trị tài sản ròng trên giấy tờ đã tăng lên 17 tỷ USD, ông chủ sàn FTX đã mua 7.6% cổ phần của Robinhood.

Bankman-Fried khi đó còn được ví như là “JPMorgan của thị trường crypto”. Ông còn tự tin chia sẻ rằng, FTX có sẵn khoảng 1 tỷ USD để chi cho các gói cứu trợ để cứu những công ty chủ chốt, tiềm năng nếu việc tồn tại của họ gặp vấn đề trong thời gian bất ổn đó.

Dù được đánh giá có tiềm năng tới mức nào, FTX cũng đã phải đối diện với sự sụp đổ chóng vánh. Vào đầu tháng 11/2022, ngay sau khi CEO Binance, Changpeng Zhao tuyên bố rằng, công ty của ông đang bán những đồng tiền mã hóa FTT cuối cùng của FTX, đã khiến nhiều khách hàng của FTX ồ ạt tháo chạy khỏi đồng tiền này. Bankman-Fried cho biết, các khách hàng của họ đã yêu cầu rút khoảng 5 tỷ USD. Thiếu tiền dự trữ để trang trải cho việc rút tiền của khách hàng, FTX đã nhờ Zhao giúp đỡ.

Mọi chuyện bây giờ đang diễn biến ra sao?

Cũng trong tháng 11, Binance công bố một thỏa thuận không ràng buộc để mua lại FTX, trong lúc nhà đầu tư đang lo sợ về sự sụp đổ của FTX. Tuy nhiên, ngay sau đó Binance đã phủi bỏ thỏa thuận này, cho rằng “các vấn đề của FTX nằm ngoài tầm kiểm soát cũng như khả năng trợ giúp của họ”.

Mặc dù Bankman – Fried đã cố gắng huy động hàng tỷ USD, nhưng rồi công ty cũng đã phải nộp đơn xin phá sản. Trong hồ sơ, FTX cho biết họ có tổng tài sản lên tới khoảng 10 – 50 tỷ USD và các khoản nợ cũng nằm trong phạm vi đó.

Sequoia Capital, công ty đầu tiên hỗ trợ FTX vào năm 2021 với mức định giá 18 tỷ USD, cho biết khoản đầu tư 213.5 triệu USD của họ vào FTX đã mất trắng.

Multicoin Capital, một công ty đầu tư tiền điện tử khác, cũng đã nói với các thành viên góp vốn cảu họ rằng mặc dù họ có thể lấy lại khoảng 1/4 tài sản của mình từ FTX, song số tiền bị mắc kẹt ở đó vẫn chiếm 15.6% tài sản của quỹ và không đảm bảo tất cả sẽ được giải quyết.

Tất cả sự việc này là không hề dễ dàng để giải quyết.

Tiền điện tử hiện nay đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin sau sự cố của FTX. Mặc dù đã trải qua một năm đầy biến động, các nhà phân tích vẫn tin rằng tiền điện tử sẽ phục hồi trong tương lai.

Trong một thị trường không có ngân hàng trung ương, công ty bảo hiểm hay bất kỳ tổ chức nào đứng ra để bảo vệ, niềm tin là điều quan trọng tuyệt đối đối với ngành crypto. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu niềm tin có thể được phục hồi lại trong ngành crypto này hay không?

Tương lai của tiền điện tử

Nhìn chung, ngành crypto chỉ mới đang ở giai đoạn hình thành và sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Đó là lý do tại sao các mức đỉnh cao mới của bitcoin đều được theo sau bởi những nhịp điều chỉnh lớn và luôn biến động trước những tác động từ thị trường tài chính và nền kinh tế chung trên toàn cầu.

Thật khó để có thể đưa ra dự đoán về sự phát triển và diễn biến của thị trường này trong dài hạn. Tuy nhiên trong thời gian sắp tới, các chuyên gia sẽ phải theo dõi sát những quy định, thể chế mới được áp đặt lên thị trường crypto, đặc biệt là sự hình thành và ứng dụng của việc thanh toán bằng tiền điện tử, để có thể hiểu rõ hơn về thị trường.

Chúng ta có thể suy đoán về giá của những đồng tiền điện tử trong thời gian tới, nhưng trên thực tế, đây vẫn gần giống như là một hình thức đầu tư mang tính đầu cơ, do chưa có nhiều dữ liệu lịch sử để làm cơ sở cho việc dự đoán.

Dù các chuyên gia hay nhà đầu tư chuyên nghiệp nhận định như thế nào, thì trong thị trường crypto này vẫn không có gì là chắc chắn. Đây là lý do tại sao bạn chỉ nên đầu tư vào những gì bạn thật sự hiểu biết và chỉ đầu tư ở mức bạn có thể sẵn sàng chấp nhận bị mất trong thị trường này. Đồng thời, vẫn nên duy trì các khoản đầu tư trong các thị trường truyền thống như chứng khoán để xây dựng danh mục tài sản lâu dài.

“Nếu bạn thức dậy vào một buổi sáng và thấy rằng tiền điện tử đã bị cấm bởi các quốc gia phát triển và nó trở nên vô giá trị, liệu bạn sẽ còn thấy ổn?”

Do đó, hãy giữ các khoản đầu tư crypto của bạn ở mức tối thiểu và đừng bao giờ đặt các khoản đầu tư crypto lên trên bất kỳ mục tiêu tài chính nào khác như là tiết kiệm hưu trí và trả nợ lãi suất cao.

Kết luận:

  • Chỉ sau một năm, bitcoin đã bị mất hơn 70% giá trị, từ mức đỉnh hơn 68,000 USD xuống còn khoảng 16,000 USD trong tháng 11/2022.
  • Thị trường crypto đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế vĩ mô, áp lực từ thị trường và các vụ bê bối; đặc biệt là kể từ sự sụp đổ ngoạn mục của FTX.
  • Nhà đầu tư cần ưu tiên các mục tiêu tài chính dài hạn và an toàn khác trước khi có ý định đầu tư vào thị trường tiền điện tử.
 
Back
Top